Truy cập hiện tại

Đang có 243 khách và không thành viên đang online

Tri Tôn tọa đàm 45 năm tái lập huyện

(TUAG)- Sáng ngày 23/8, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tri Tôn tổ chức Tọa đàm kỷ niệm 45 năm tái lập huyện Tri Tôn (23/8/1979 - 23/8/2024). Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Ngọc; Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Bé Tám, đại diện Hội Khoa học Lịch sử tỉnh An Giang; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo huyện Tri Tôn qua các thời kỳ; lãnh đạo các phòng, ban, ngành huyện, các xã, thị trấn cùng tham dự.


Quang cảnh buổi tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tập trung đánh giá thành tựu phát triển của huyện Tri Tôn sau 45 năm tái lập (ngày 23/8/1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 300/CP, chia huyện Bảy Núi thành 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên). Với địa thế là huyện miền núi, dân tộc, biên giới, căn cứ quan trọng của Tỉnh ủy An Giang trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, chịu nhiều hậu quả của chiến tranh biên giới Tây Nam, Tri Tôn nỗ lực vươn lên trong gian khó; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện đoàn kết, đồng lòng, gặt hái nhiều kết quả quan trọng.



Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm, cho biết: Trong lịch sử hình thành và phát triển vùng đất An Giang, huyện Tri Tôn có nhiều lần nhập và tách. Năm 1951 nhập huyện Tri Tôn vào huyện Tịnh Biên lấy tên là huyện Tịnh Biên. Năm 1954 tách huyện Tri Tôn thuộc tỉnh Châu Đốc. Sau 30/4/1975, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam bảo vệ Tổ quốc diễn ra, ngày 11/3/1977 Tri Tôn và Tịnh Biện nhập lại đặt tên là huyện Bảy Núi. Trung tâm huyện Bảy Núi là thị trấn Bảy Núi, nay là thị trấn Tri Tôn. Sau khi chiến tranh biên giới kết thúc, quyết định của Hội đồng Bộ trưởng chia huyện Bảy Núi thành Tri Tôn và Tịnh Biên và thành lập thị trấn Tri Tôn.

Sau 45 năm tái lập huyện Tri Tôn đã trải qua 12 kỳ đại hội Đảng bộ, với những quyết sách quan tọng và sự đầu tư hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, nhất là từ khi triển khai 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Tri Tôn đã phát triển vượt bậc.

Đến nay, toàn huyện Tri Tôn có 6/12 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, trong đó có 2 xã nông thôn mới nâng cao; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới được nâng lên. Huyện được UBND tỉnh An Giang phê duyệt phương án 5 cụm công nghiệp trên địa bàn, với tổng diện tích 180,52ha; lĩnh vực thương mại chuyển biến mạnh, sức mua bán, tiêu dùng tăng.

Xác định nông nghiệp và du lịch là 2 mũi nhọn phát triển, huyện tập trung phát triển hạ tầng, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các loại hình du lịch thế mạnh. Nếu như năm 1979, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện chỉ 18.000ha thì đến năm 2023, tổng diện tích sản xuất tăng lên 6,12 lần, đạt 110.184ha. Huyện thu hút được các tập đoàn lớn đến đầu tư, như: THACO, Tân Long, TH True Milk...

Trong khi đó, hoạt động du lịch ngày càng khởi sắc. Cùng với lợi thế thiên nhiên vùng Bảy Núi, nhiều di tích lịch sử cách mạng, văn hóa có sức hút, Tri Tôn còn phát triển các loại hình du lịch gắn lễ hội đặc đặc trưng, như: Hội đua bò Bảy Núi, biểu diễn dù lượn, diều lượn, lễ hội khinh khí cầu, biểu diễn mô tô địa hình, thả diều nghệ thuật, khám phá cánh đồng trâm...
 

Ông Trần Trường Sơn, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn đóng góp ý kiến tại buổi tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm, cũng đề nghị các ngành, các địa phương tập trung thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2021 - 2025. Phát huy tinh thần trách nhiệm, ra sức thi đua, có những giải pháp, sáng kiến tiếp tục xây dựng và phát triển quê hương Tri Tôn giàu mạnh. Phấn đấu huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2030 và trở thành một thị xã ven biên trong tương lai không xa.

Châu Phong
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39126425